Răng sữa thay bao nhiêu cái? Những răng sữa nào thay?
Răng sữa là những chiếc răng đầu tiên của trẻ và sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn khi trẻ đến giai đoạn thay răng. Việc trẻ thay răng sữa là một cột mốc đánh dấu bước phát triển quan trọng của trẻ. Vì thế, răng sữa thay bao nhiêu cái và cách chăm sóc trẻ trong giai đoạn thay răng là thắc mắc của nhiều cha mẹ có con ở độ tuổi thay răng. Hãy cùng nha khoa Parkway tìm hiểu thêm về vấn đề thay răng sữa của trẻ, cha mẹ nhé.
Quá trình trẻ thay răng sữa như thế nào? Những răng sữa nào thay?
Răng sữa còn gọi là răng trẻ em hay răng tạm thời, được mọc lên trong giai đoạn trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi. Răng sữa hình thành trong giai đoạn phôi thai phát triển và sẽ mọc dần hiện hữu rõ trong miệng của trẻ sơ sinh. Tùy từng trẻ, răng sữa sẽ dần dần được mọc hoàn thiện khi trẻ được 2 – 3 tuổi. Về sau, răng sữa của trẻ sẽ bị rụng và hàm răng sữa được thay thế bằng răng vĩnh viễn.
Hầu hết trẻ sẽ bắt đầu thay răng sữa khi được 5 hoặc 6 tuổi. Tuy nhiên, quá trình thay răng sữa có thể xuất hiện khi trẻ khoảng 4 tuổi hoặc trễ hơn khi trẻ được 8 tuổi. Các bé gái thường sẽ thay răng sữa sớm hơn các bé trai. Chiếc răng sữa cuối cùng thường sẽ rụng và thay thế bằng răng vĩnh viễn khi trẻ được 12 – 13 tuổi.
Khi thay răng sữa, dưới mỗi chân răng sữa sẽ có một mầm răng vĩnh viễn mọc thẳng lên làm tiêu chân răng sữa, khiến răng sữa lung lay, báo hiệu răng sữa sẽ được thay thế. Thân răng sữa phía trên sẽ tự rụng ra để nhường chỗ cho răng vĩnh viễn mọc lên.
Thông thường, chiếc răng sữa nào mọc trước thì sẽ rụng trước. Tuy nhiên, thứ tự thay răng của hàm trên sẽ khác một chút so với hàm dưới. Nếu thứ tự phổ biến của hàm trên là: răng cửa giữa – răng cửa bên – răng tiền cối – răng nanh và các răng cối lớn, thì đối với hàm dưới sẽ là: răng cửa giữa – răng cửa bên – răng nanh – răng tiền cối và cuối cùng là các răng cối.
Răng sữa thay bao nhiêu cái là thắc mắc của nhiều cha mẹ khi con đến tuổi thay răng
Thời điểm trẻ bắt đầu thay răng sữa
Trẻ bắt đầu thay chiếc răng sữa đầu tiên khi được khoảng 6 tuổi và hàm răng vĩnh viễn sẽ hoàn thiện khi trẻ được 12 – 13 tuổi. Nha khoa Parkway xin chia sẻ lịch thay răng sữa của trẻ để cha mẹ tham khảo thông tin như sau:
Trẻ từ 6 đến 7 tuổi: Thay 2 răng cửa giữa ở hàm dưới.
Trẻ từ 6 đến 7 tuổi: Thay 2 răng cửa giữa ở hàm trên.
Trẻ từ 7 đến 8 tuổi: Thay 2 răng cửa hàm trên.
Trẻ từ 7 đến 8 tuổi: Thay 2 răng cửa hàm dưới.
Trẻ từ 9 đến 11 tuổi: Thay 2 răng hàm trên thứ nhất.
Trẻ từ 9 đến 11 tuổi: Thay 2 răng hàm dưới thứ nhất.
Trẻ từ 10 đến 12 tuổi: Thay 2 răng nanh hàm trên.
Trẻ từ 9 đến 12 tuổi: Thay 2 răng nanh hàm dưới.
Trẻ từ 10 đến 12 tuổi: Thay 2 răng hàm dưới thứ 2.
Trẻ từ 10 đến 12 tuổi: Thay 2 răng hàm trên thứ 2.
Thời gian từ lúc răng sữa có dấu hiệu lung lay cho đến lúc rụng thay đổi tùy theo đặc điểm của từng loại răng và vị trí của răng. Ví dụ, răng một chân thì thời gian thay răng diễn ra ngắn (như vài tuần), răng nhiều chân như răng cối thì thời gian thay răng có thể kéo dài từ 1 – 2 tháng. Răng mọc thuận lợi thì thời gian thay răng sẽ ngắn hơn răng bị kẹt trong khe hay bị chèn ép bởi các răng khác.
Lịch mọc răng và thay răng của trẻ em
Răng sữa thay bao nhiêu cái?
Chắc hẳn cha mẹ hay thắc mắc răng sữa thay bao nhiêu cái. Thông thường, mỗi đứa trẻ có tổng cộng 20 chiếc răng sữa trên cung hàm, 10 chiếc ở cung răng hàm trên, 10 chiếc ở cung răng hàm dưới. Số lượng răng sữa cần thay là 20 răng. Thứ tự thay răng sẽ tương tự như lúc trẻ mọc răng sữa. Răng vĩnh viễn số 6 (răng cối lớn thứ nhất) sẽ mọc lúc 6 tuổi. Chiếc răng này sẽ không được thay thế, có nghĩa là không cần phải nhổ chiếc răng sữa nào để răng số 6 mọc lên.
Trẻ em răng sữa bị lung lay thì cần làm gì?
Đến thời điểm thay răng, răng sữa sẽ lung lay và nhường chỗ cho răng vĩnh viễn mọc lên. Tuy nhiên việc lựa chọn thời điểm nhổ răng sữa lung lay cũng rất quan trọng, cha mẹ không nên tự ý nhổ răng sữa quá sớm, hoặc để quá muộn.
Nếu trẻ bị nhổ quá sớm, trẻ sẽ khó khăn trong quá trình ăn nhai, làm xương hàm mềm và nướu không thể phát triển. Do trẻ bị nhổ răng trước thời điểm thay răng, răng sữa chưa lung lay, chân răng còn chắc nên trẻ cảm thấy đau nhức khi nhổ răng. Khi răng sữa bị nhổ quá sớm, răng vĩnh viễn bên dưới chưa kịp mọc lên, khoảng trống mất răng trên nướu dần bị bít lại, xơ cứng, sẽ gây khó khăn khi tới giai đoạn răng vĩnh viễn bắt đầu mọc lên, dẫn đến trẻ sẽ mọc vĩnh viễn chậm hơn so với các bé cùng trang lứa
Nếu trẻ bị nhổ răng sữa quá muộn lại ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của răng vĩnh viễn, lúc này răng có thể mọc lệch do không có vị trí để phát triển, ảnh hưởng đến cả hàm răng sau này của trẻ.
Ngoài ra, việc cha mẹ tự nhổ răng sữa tại nhà cho trẻ dù bằng công cụ nào cũng dễ gây chảy máu nướu răng và tạo nên một vết thương hở ở nướu răng. Các vật dụng nhổ răng tại nhà cho trẻ chưa được tiệt trùng, diệt khuẩn cũng như việc đưa tay vào miệng trẻ sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn từ tay trẻ hay tay của cha mẹ dễ xâm nhập vào vết thương hở này, dẫn tới bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là nhiễm khuẩn uốn ván.
Trong một số trường hợp, các mảnh chân răng vỡ sót lại mà cha mẹ không thể quan sát được bằng mắt thường. Nếu không được phát hiện kịp thời sẽ gây viêm sưng, ảnh hưởng tới các mô tế bào. Nếu trẻ bị mắc bệnh máu khó đông, việc tự ý nhổ răng cho trẻ tại nhà có thể khiến trẻ mất nhiều máu, không cầm được máu, trẻ sẽ sợ hãi và ảnh hưởng đến tâm lý với những lần nhổ răng sau.
Tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ khi răng sữa lung lay để được thăm khám xem xét mức độ lung lay răng của trẻ. Bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng khi đã đến thời điểm phù hợp hoặc chờ đợi thêm để đảm bảo trẻ an toàn cũng như không làm trẻ bị đau đớn.
Một số trường hợp đặc biệt, nếu răng vĩnh viễn của trẻ đang dần chồi lên và bị kẹt, đôi khi bác sẽ chỉ định nhổ hoặc phải mài bớt cạnh răng sữa lân cận để răng vĩnh viễn của trẻ có thể mọc lên đúng vị trí một cách thuận lợi, giảm đau đớn, khó chịu cho trẻ trong quá trình mọc răng vĩnh viễn.
Khi răng trẻ lung lay, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám nha sĩ
Cách chăm sóc răng miệng khi bé trong thời điểm thay răng
Sau khi biết răng sữa thay bao nhiêu cái, cha mẹ cũng nên lưu ý một số biện pháp chăm sóc răng miệng khoa học để đảm bảo hàm răng vĩnh viễn của trẻ mọc lên đúng vị trí và chắc khỏe:
Hướng dẫn trẻ biết đánh răng đúng cách: đánh răng sau mỗi bữa ăn hoặc ít nhất là hai lần mỗi ngày; sử dụng lượng kem vừa phải để trẻ không bị nuốt quá nhiều kem đánh răng. Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ đánh răng theo chiều dọc từ trên xuống và ngược lại để răng được sạch, không làm tổn thương nướu hay gây chảy máu khi đánh răng sai cách.
Sử dụng chỉ nha khoa hoặc tăm nước để vệ sinh hoàn toàn thức ăn thừa còn sót lại ở kẽ răng.
Cho trẻ trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch súc miệng chuyên dụng để làm sạch khoang miệng, ngăn ngừa sâu răng, hôi miệng.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, đảm bảo răng thay – mọc đúng theo độ tuổi. Tránh những thực phẩm không tốt cho răng: hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn nóng/lạnh hoặc cứng, những loại thức uống có nhiều đường, nước ngọt có gas,… cũng dễ hủy hoại men răng của trẻ và nguyên nhân gây sâu răng cho trẻ.
Loại bỏ thói quen xấu của trẻ: theo dõi và nhắc nhở trẻ bỏ thói quen xấu như nghiến răng, mút tay, lấy lưỡi đưa răng ra phía trước, đẩy lưỡi vào răng, chống cằm,… Những thói quen xấu này có thể làm răng hô, mọc không đều, chen chúc, chỗ dày, chỗ thưa,… hoặc gây viêm nhiễm vùng nướu trong quá trình thay răng sữa ở trẻ.
Khi trẻ thay răng sữa sẽ kèm cơn đau nhức, cha mẹ có thể chườm lạnh, dùng thuốc giảm đau, kháng viêm đi kèm với sự chỉ định của bác sĩ. Không tự ý điều trị các triệu chứng trong quá trình trẻ thay răng theo các hướng dẫn thiếu căn cứ trên mạng.
Không tự ý cho tay vào kiểm tra, tác động vào những chiếc răng đang lung lay trên cung hàm của trẻ để tránh nhiễm trùng.
Duy trì thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa định kỳ 3 – 6 tháng để kiểm tra răng miệng và phát hiện sớm các bệnh lý về răng miệng. Ngoài ra, khi trẻ có dấu hiệu thay răng thì cha mẹ nên cho trẻ đi khám để bác sĩ chẩn đoán và chỉ định nhổ răng sữa cho trẻ hay tiếp tục chờ đợi thêm. Cha mẹ cũng sẽ yên tâm và tránh những lo lắng không cần thiết.
Chế độ dinh dưỡng cân đối sẽ hỗ trợ quá trình mọc và thay răng của trẻ
Trẻ em thay răng sữa nên ăn gì?
Để trẻ có thể phát triển hàm răng chắc khỏe và vững chắc, cha mẹ cần chú ý chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối. Ngay từ khi mang thai, chế độ ăn uống của mẹ cũng ảnh hưởng đến sự phát triển mầm răng của bào thai.
Mầm răng sữa và mầm răng vĩnh viễn sẽ được hình thành trong thai nhi vào tuần lễ thứ 8. Vì vậy, người mẹ cần chú trọng bổ sung canxi, chất khoáng… để tạo nên xương và răng của thai nhi. Ngoài canxi, cha mẹ cần chú trọng những dưỡng chất sau để hàm răng của trẻ có thể phát triển tốt nhất:
Cung cấp đủ Vitamin D cho bé
Vitamin D có tác dụng giúp cơ thể sử dụng tốt canxi và phospho để hình thành và duy trì hệ xương răng vững chắc. Để canxi được được hấp thu và sử dụng tốt, cơ thể phải có đủ vitamin D. Cho dù trẻ ăn uống đủ canxi nhưng thiếu vitamin D thì trẻ vẫn bị thiếu canxi dẫn đến còi xương. Một số thực phẩm có chứa vitamin D như dầu gan cá (nhất là những loại cá béo: cá thu, cá hú…), trứng gà, những loại dầu ăn được bổ sung vitamin D.
Nguồn cung cấp chủ yếu vitamin D cho cơ thể là do cơ thể tổng hợp vitamin D từ các tiền vitamin D ở dưới da, dưới tác động quang hóa của tia cực tím trong ánh sáng mặt trời. Khi trẻ được nuôi dưỡng không đầy đủ hoặc không đúng, thiếu ánh sáng mặt trời do nhà ở chật chội, tối tăm, do mặc quần áo quá nhiều hoặc trẻ bị “nhốt” trong nhà suốt ngày… trẻ sẽ dễ bị còi xương.
Thiếu vitamin D thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, đặc biệt là trẻ từ 3 tháng đến 18 tháng. Biểu hiện của trẻ khi thiếu vitamin D là trẻ ngủ không yên giấc, hay giật mình, ra nhiều mồ hôi, rụng tóc sau gáy, có thể mềm xương sọ, trán dồ, chậm mọc răng, tay chân cong, đi vòng kiềng…
Cung cấp đủ Vitamin C cho bé
Vitamin C tham dự vào quá trình tổng hợp chất collagen (phân tử cơ bản của các mô liên kết). Thiếu hụt trầm trọng vitamin C sẽ dẫn đến các bệnh liên quan đến tủy răng, nướu răng trở nên xốp làm nướu răng bị viêm loét, dễ chảy máu chân răng và dẫn đến rụng răng.
Ngoài ra, vitamin C còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống nhiễm khuẩn chân răng. Các vết thương sẽ mau lành nếu các mô được bão hòa lượng vitamin C. Các thực phẩm cung cấp nhiều vitamin C là rau xanh, quả tươi như cam, chanh,quýt, bưởi, nước ép cà chua, bông cải xanh, xoài…
Nguyên nhân thiếu vitamin C thường thấy có thể do trẻ thiếu sữa mẹ, ăn thiếu rau xanh, trái cây tươi, ăn thức ăn nấu quá chín hoặc trẻ bị bệnh nhiễm khuẩn, rối loạn tiêu hóa…Thiếu vitamin C thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi, bệnh biểu hiện qua xuất huyết dưới da và niêm mạc như chảy máu nướu răng, sưng nướu, men răng kém chất lượng hay bị sún răng.
Cung cấp đủ Vitamin A cho bé
Vitamin A có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và các bệnh khô mắt, đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ xương, răng, bảo vệ niêm mạc và da, tăng cường sức đề kháng cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.
Thực phẩm giàu vitamin A chủ yếu có trong: gan, thịt, trứng, chế phẩm từ sữa (sữa, kem, bơ…), những loại củ quả màu vàng/đỏ đậm (cà chua, carrot, đu đủ…), rau xanh đậm (rau ngót, rau muống, rau dền…), các loại dầu thực vật được bổ sung vitamin A.
Cung cấp thực phẩm giàu Phospho
Phospho là chất khoáng có nhiều thứ 2 trong cơ thể sau canxi, với chức năng hình thành và duy trì hệ xương răng vững chắc và duy trì các chức phận khác của cơ thể.
Phospho trong thức ăn động vật có giá trị sinh học cao hơn so với thức ăn thực vật. Các thực phẩm chứa nhiều Phospho như: thịt gà, thịt lợn, hải sản, sữa, hạt hướng dương, hạt bí ngô, ngũ cốc nguyên hạt, rau dền, đậu lăng…
Nên cho bé ăn nhiều rau quả
Rau, hoa quả, ngũ cốc, khoai củ, mía cây… cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất (nâng cao sức đề kháng), bổ sung chất xơ giúp trẻ nhuận tràng, chống táo bón. Chất xơ còn có tác dụng chà răng, đồng thời hỗ trợ cho nướu răng thêm mạnh và bền chắc.
Có thể nói, chế độ dinh dưỡng sẽ góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển hàm răng của trẻ, giúp trẻ có hàm răng chắc khỏe. Vì vậy, cha mẹ hãy bổ sung các dưỡng chất nêu trên trong chế độ ăn của trẻ nhé.
Hi vọng qua bài viết này, cha mẹ đã có lời giải đáp xoay quanh việc răng sữa thay bao nhiêu cái và cách chăm sóc trẻ đúng cách, hỗ trợ quá trình mọc răng và thay răng của trẻ. Cha mẹ hãy tiếp tục theo dõi các bài viết khác của nha khoa Parkway để được cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích chăm sóc hàm răng của bé yêu nhé.
Chanh là nguyên liệu dân dã, dễ mua và dễ sử dụng, có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe. Đặc biệt, chanh còn có công dụng làm trắng răng và có thể áp dụng đơn giản ngay tại nhà. Qua bài viết sau, hãy cùng Nha khoa Parkway tìm hiểu 6 cách làm […]
Tụt lợi chảy máu chân răng có nguy cơ tái phát cao gây ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ và thẩm mỹ của người bệnh. Vậy làm thế nào để điều trị triệt để bệnh lý này? Cùng tìm hiểu
Bọc răng sứ là một phương pháp nha khoa thẩm mỹ giúp cải thiện chức năng ăn nhai cũng như vẻ đẹp của răng. Để đạt được kết quả tốt, cần có một quy trình bọc răng sứ đúng chuẩn và bài bản. Hãy cùng Nha khoa Parkway tìm hiểu về quy trình bọc răng […]
Bạn có ý định niềng răng nhưng không thích sự xuất hiện lộ liễu của những chiếc mắc cài và dây cung cồng kềnh. Hãy cùng tìm hiểu về phương pháp niềng răng mắc cài pha lê tại bài viết sau đây nhé.!