Quá trình mọc răng hàm có thể khiến trẻ cảm thấy đau nhức và khó chịu. Cha mẹ phải đối diện với nhiều khó khăn khi bé quấy khóc, ho sốt, chán ăn,… Bài viết dưới đây là những lưu ý khi trẻ mọc răng hàm mẹ cần biết.
Khi nào trẻ mọc răng hàm?
Răng hàm là răng mọc cuối cùng trong quá trình phát triển răng sữa của trẻ. Thông thường, răng hàm trên mọc trước trong khoảng thời gian từ 13 tháng – 19 tháng. Răng hàm dưới thường mọc trong khoảng 14 tháng – 18 tháng.
Trẻ mọc răng hàm thứ 2 khi bé 25 – 33 tháng tuổi đối với hàm trên và 23 – 31 tháng tuổi đối với răng hàm dưới.
Các răng hàm nhỏ (răng số 4 và răng số 5) sau 6 tuổi sẽ rụng dần và mọc răng mới. Cha mẹ lưu ý 3 răng hàm lớn là các răng vĩnh viễn mọc lên mà không qua quá trình thay răng sữa. Đặc biệt, răng số 6 thường mọc sớm và dễ nhầm lẫn với răng sữa. Nếu không có chế độ chăm sóc phù hợp, răng mất đi sẽ không mọc lại.
>> Xem thêm: Quá trình mọc răng sữa và thay răng ở trẻ
Dấu hiệu trẻ mọc răng hàm
Cha mẹ cần phát hiện sớm khi thấy bé có các biểu hiện mọc răng hàm để có chế độ chăm sóc phù hợp. Dưới đây là các dấu hiệu thường gặp nhất khi bé mọc răng hàm:
- Trẻ sốt, hay cáu gắt: Bé sốt nhẹ, từ 38-39 độ
- Chảy nước dãi: Bé chảy nước dãi nhiều hơn bình thường.
- Ho nhiều: Lượng nước dãi nhiều trong miệng khiến bé dễ bị ho sặc.
- Tiêu chảy: Do sự gia tăng của nước dãi, bé đi ngoài phân lỏng 3 – 4 lần/ngày.
- Chán ăn, hay nhai đồ: Trong quá trình mọc răng hàm, các bé sẽ gây đau đớn, khó chịu. Vì vậy, trẻ chán ăn, thậm chí là cắn tất cả những đồ vật xung quanh.
Cách chăm sóc khi trẻ mọc răng hàm
Chế độ chăm sóc khoa học, đầy đủ dinh dưỡng giúp trẻ giảm cảm giác khó chịu trong quá trình mọc răng hàm. Cha mẹ cần có sự quan tâm đặc biệt đến bé trong giai đoạn này.
- Cho bé ăn các loại thực phẩm mềm để dễ nuốt, nhiệt độ thức ăn vừa phải. Chia nhỏ bữa ăn thành 6 – 8 bữa để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho con.
- Khi bé sốt dưới 38 độ, bạn có thể nới rộng quần áo bé đồng thời dùng khăn ấm chườm nách, bẹn và trán cho trẻ. Nếu sốt trên 38 độ, bạn nên cho bé uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ và dán miếng dán hạ sốt.
- Chú ý theo dõi tình trạng tiêu chảy hàng ngày. Không tự ý uống thuốc khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu trẻ đi ngoài liên tục, hãy đưa đến bệnh viện ngay lập tức tránh mất nước trầm trọng.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách cho bé bằng cách lấy khăn mềm lau miệng và răng cho bé sau khi bé ăn 30-60 phút
- Loại bỏ đồ vật sắc nhọn xung quanh bé để đảm bảo an toàn vì khi mọc răng hàm bé có xu hướng cho mọi thứ trong tầm tay vào miệng nhai.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bậc phụ huynh bớt lo lắng khi trẻ mọc răng hàm. Để đảm bảo sức khỏe răng miệng, bạn nên đưa bé đến các cơ sở nha khoa để được bác sĩ thăm khám cụ thể.