Áp xe răng là biến chứng của nhiễm trùng chóp răng và sự phá hủy của các mô quanh răng. Bệnh này có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào tủy khiến tủy bị chết, còn gọi là hiện tượng chết tủy. Áp xe răng không được điều trị kịp thời có nguy cơ gây ra nhiễm trùng nghiêm trọng trong xương hàm, răng và các mô xung quanh.
Vậy nguyên nhân gì gây áp xe răng?
Có 2 nguyên nhân chính:
- Do sâu răng: khi bị sâu răng, các vi khuẩn tồn tại trong răng, nướu và tủy tiết ra độc tố khiến vùng xung quanh tủy và nướu sưng tấy, mưng mủ và gây áp xe răng.
- Do chấn thương nặng: khi răng gãy hoặc mẻ do chấn thương, men răng bị vỡ ra làm vi khuẩn len lỏi vào tủy răng gây nhiễm trùng có thể lan ra chân răng và đi vào xương chống đỡ chân răng hình thành nên áp xe.
Xem thêm: 10 cách chữa sâu răng tại nhà đơn giản mà hiệu quả tức thì
Trong đó có 2 loại áp xe răng thường gặp là áp xe quanh chóp răng và áp xe nha chu.
- Áp xe quanh chóp răng: khi sâu răng hay nứt răng, vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng, làm tủy bị viêm rồi chết. Khi đó, vi khuẩn tiếp tục lan rộng đến lỗ chóp răng để xâm nhập vào tổ chức quanh chóp răng hình thành áp xe răng.
- Áp xe nha chu: chủ yếu là do các vụn thức ăn, các cáu bẩn bám trên bề mặt răng miệng không được làm sạch sẽ và nó vô tình rơi vào túi mủ nha chu dẫn đến các sợi collagen bị phá hủy. Từ đó dẫn đến tiêu hủy xương ở các ổ răng lân cận.
Dấu hiệu áp xe răng
Áp xe răng biểu hiện rất rõ, bệnh nhân dễ dàng cảm nhận được các triệu chứng sau:
- Đau răng, nhai đau, ê răng lúc nóng hoặc lạnh, vị đắng trong miệng, hơi thở hôi.
- Có thể nóng sốt, sưng hạch cổ, người không khỏe, mệt mỏi.
- Hàm trên hoặc hàm dưới sưng, cắn chặt hoặc ngậm miệng chặt lại cũng làm đau nhiều hơn, nướu răng có thể sưng và đỏ và mủ đặc chảy ra.
Biến chứng áp xe răng
Áp xe răng được phát hiện và điều trị sớm sẽ giảm thiểu tối đa biến chứng. Khi có những triệu chứng áp xe răng, mọi người cần đến ngay các cơ sở nha khoa uy tín để được khám và tư vấn kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm.
- Nhiễm trùng lan ra các mô mềm, xương hàm: làm vết viêm nhiễm ngày càng trở nên nguy hiểm và trầm trọng hơn. Lúc đó bạn sẽ tốn cả về thời gian và chi phí điều trị.
- Rất có thể sẽ phải nhổ bỏ răng thật: để ngăn chặn vi khuẩn, nhiễm trùng lây lan sang những răng khác.
- Nhiễm trùng lan rộng ra các bộ phận khác của cơ thể: gây ra áp xe não bộ, viêm nội mạc tim, viêm phổi hoặc làm suy giảm sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
Điều trị áp xe răng
Phương pháp điều trị có phức tạp hay không còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra áp xe răng mà bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị khác nhau phù hợp với từng bệnh nhân. Dưới đây là các phương pháp điều trị chính:
- Giảm đau bằng nước muối ấm tại nhà trong lúc chờ điều trị tại nha khoa.
- Điều trị cấp: chích rạch áp xe, làm kháng sinh đồ. Thuốc hỗ trợ điều trị: kháng sinh, kháng viêm, giảm đau kết hợp nâng cao thể trạng.
- Điều trị tiếp theo loại bỏ nguyên nhân như: điều trị tủy, lấy vôi răng và xử lý mặt gốc răng, gắp mảnh răng vỡ. Trường hợp không thể điều trị bảo tồn phải tiến hành nhổ răng.
Phòng ngừa áp xe răng
Việc làm hữu ích nhất giúp bạn giảm thiểu tối đa khả năng mắc phải áp xe răng là thực hiện phòng ngừa. Hình thành thói quen có lợi cho sức khỏe răng miệng tránh khỏi bệnh lý nguy hiểm này.
- Dùng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám giữa hai kẽ răng.
- Đánh răng ngày từ 2-3 lần, vệ sinh răng trong cùng sạch sẽ.
- Súc miệng bằng nước muối pha loãng hoặc súc miệng với nước flour để làm sạch mảng bám vi khuẩn tận bên trong.
- Súc miệng lại bằng nước lọc sau khi ăn vặt, ăn bánh kẹo, uống nước ngọt.
Áp xe răng là một trong những bệnh lý nguy hiểm về răng, đề cao phòng ngừa và khám nha khoa định kỳ là cách tốt nhất để bảo vệ hàm răng của bạn.